Giám mục Valentín de Berriochoa Vinh

Lễ tấn phong

Lễ tấn phong Giám mục Valentino Vinh, có một không hai trong lịch sử Giáo hội. Đêm 25 rạng ngày 26 tháng 06 năm 1858, Giám mục Xuyên cử hành lễ tấn phong ông trong nhà ông trùm Chi ở Ninh Cường (nay là giáo hạt Ninh Cường thuộc giáo phận Bùi Chu, Nam Định). Lễ nghi được tiến hành âm thầm giữa đêm thâu không một tiếng hát, không một giáo dân tham dự. Hai linh mục Riano Hòa và Carreas Hiển phụ phong, bao tay, vớ tất không có, mũ ngọc của tân Giám mục làm bằng giấy bìa cứng cũng phủ giấy tráng kim, gậy ngọc là một cây nứa, đầu gậy cuốn bằng rơm cũng được bọc giấy tráng kim.[4]

Việc chuẩn bị cho ngày lễ, ông thuật lại trong một bức thư:

Con thú thật rằng, con muốn thoát khỏi vòng ràng buộc này. Nhưng biết bao lần Đức cha đã bảo con, nên theo lương tâm, buộc con phải vui nhận việc tuyển chọn. Con không giám cưỡng ý Chúa đã rõ rệt. Sau ngày được tuyển chọn, con chỉ còn vừa đủ thì giờ để cấm phòng. Con lắng nghe Ngài phán trong thinh lặng, không có lấy một cuốn sách nào giúp tĩnh tâm, mà có tìm cũng không ra. Không phải chỉ thiếu sách cấm phòng, nhưng chiều áp lễ tấn phong, thấy rằng chỉ có độ một nửa khăn áo cần dùng trong nghi lễ, Đức Giám mục đại diện Tông tòa và con phải vội vàng hai tay kim chỉ đóng vai thợ may. Tạ ơn Chúa, tới đúng giờ đã định, chúng con cũng có ít khăn áo xứng đáng." (Thư 79).[4]

Giám mục hầm trú

Sau ngày tấn phong, hai vị Giám mục và hai linh mục lên xứ Quần Cống (Thọ Nghiệp, Xuân Trường, Nam Ðịnh. Nhưng chỉ được vài hôm thì quan án sát Nam Định đến bao vây làng này khiến mỗi vị phải đi một ngả. Tân giám mục Vinh sang Trà Lũ, Giám mục Xuyên qua làng Thôn Đông rồi đến Kiên Lao nhưng bị bắt ngày 08 tháng 07 năm 1858 và bị xử lăng trì ngày 28 tháng 07.

Từ thời điểm này Giám mục Vinh phải một mình lãnh trách nhiệm toàn giáo phận Trung Đàng Ngoài. Theo ý chỉ của tiềm nhiệm, vị Giám mục Tông toà rời giáo phận trốn qua tỉnh Hải Dương, nơi cuộc bách hại còn lắng dịu. Sau bốn ngày ông đến Cao Xá, tỉnh Hưng Yên, rồi tới nơi Giám mục Hermosilla (Vọng) Liêm và linh mục Almato Bình trú ẩn. Được ít lâu, ông tìm được nơi trú ẩn mới trong vườn nhà anh Thăng, làng Hương La, xứ Tử Nê, Bắc Ninh (nay là giáo xứ Tử Nê thuộc giáo hạt Bắc Ninh). Tại đây gia chủ đã đào cho ông một hầm trú ẩn an toàn và chính tại hầm này vị "Giám mục hầm trú" đã thành lập tòa Giám mục, điều hành giáo phận gần trọn ba năm vì bị cản tòa.[3] Sinh hoạt thường ngày của ông là cầu nguyện, hy sinh, viết thư cho các linh mục và các giáo xứ bên giáo phận. Hỗ trợ Đức cha có bốn chủng sinh và ông lang Thư, người Cao Xá, trong việc sao chép thư luân lưu, cũng như việc liên lạc. Trong hầm trú, ông tiếp tục hướng dẫn, dạy thần học cho một chủng sinh, huấn luyện các linh mục tương lai. Để ôn thêm và để việc huấn luyện được đầy đủ, ông viết thư cho linh mục quản lý ở Macao, xin gởi cho linh mục bộ Tổng Luận thần học, bộ Contra Gentiles của thánh Tôma và nhất là bộ Giáo Luật.

Các hung tin được báo tới tấp::Một, hai,... rồi mười tám linh mục tử đạo, các thầy giảng và biết bao giáo hữu bị ngã gục vì đức tin. Trong một thư gửi cho Thánh Bộ Truyền giáo, ông viết: Rất có thể trong ít tháng nữa, giáo phận của tôi chẳng còn thừa sai, chẳng còn linh mục, không chủng sinh, không thày giảng và không biết còn nên nói thêm chăng, không còn bổn đạo (Thư 93).[4]

Cuối đời

Tháng 8 năm 1861, chiếu chỉ phân sáp của vua Tự Đức, làng Hương La cũng không thể yên ổn được nữa. Ông xuống thuyền với linh mục Almato Bình, xuôi dòng xuống Hải Dương.[3] Tại đây, hai vị gặp Giám mục Liêm và thầy Khang đang ở trên một thuyền khác. Các giáo hữu giới thiệu hai vị trọ nhà một người ngoại giáo làm phó lý, cháu ông này đi báo với quan,[2] khiến hai vị bị bắt ngày 25 tháng 10 năm 1861 và bị đóng cũi giải về Hải Dương.[3] Tại đây, hai vị gặp Giám mục Liêm trong một cũi khác.[4]

Khi được Nguyễn Quốc Cẩm hỏi về việc năm 1858, có liên lạc gì với người Pháp-Tây gây chiến không? Ông thưa: Tôi không làm cái gì hại nhà nước bao giờ, tôi chỉ có một ý duy nhất là sang đây giảng đạo thánh Chúa Trời và khuyên bảo cho mọi người biết ăn ngay ở lành, giữ đàng lành và tránh đàng tội mà thôi. [2]

Bị xử tử

Ngày 01 tháng 11 năm 1861, ba vị thừa sai cùng bị đem đi xử. Cũi ông đi giữa hai vị kia. Ông ngồi cầu nguyện như thói quen, nét mặt tươi tỉnh khiến mọi người phải ngạc nhiên. Thi thể ông cùng hai vị cùng chịu tử đạo được chôn tại đó, sau được cải về Thọ Ninh, rồi Kẻ Mốt. Đến đời Giám mục Hiển, thi thể ông được gởi về Ma Cao, và sau cùng được đem về quê hương ông.[4]